lau dọn bàn thờ

Lau dọn bàn thờ đúng cách Để lại Bình luận

Bàn thờ là nơi tôn nghiêm và rất linh thiêng, là nơi để tưởng nhớ các vì thần linh, tổ tiên, cha ông và những người đã mất. Vì thế việc lau dọn, sắp xếp bàn thờ đúng cách được rất nhiều người quan tâm. Chúng ta cần nắm được những vấn đề cơ bản như  thời điểm lau dọn bàn thờ, các việc cần làm và nên tránh trong khi lau dọn…để không phạm các điều kiêng kỵ trong tâm linh. Hãy cùng nhau tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nào.

Thời điểm thích hợp

Trong mỗi gia đình Việt, bàn thờ là nơi để tưởng nhớ, thờ cúng tổ tiên, cha ông, là nơi linh thiêng nhất trong căn nhà. Vào ngày thường, chúng ta có thể lau dọn bàn thờ bất cứ lúc nào khi thấy bàn thờ bị bụi, bẩn. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc lau dọn bàn thờ thường được thực hiện trước một vài ngày để đón những dịp lễ hay những ngày quan trọng trong năm.

Tùy theo thói quen và văn hóa của từng gia đình mà việc lau dọn bàn thờ được diễn ra vào các thời điểm khác nhau, có thể là trước các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, hay các ngày giỗ cúng gia tiên, hoặc các dịp lễ, Tết…Việc lau dọn bàn thờ sắp xếp bàn thờ trang nghiêm, sạch sẽ nhằm bày tỏ sự tôn kính của gia chủ với tổ tiên, thần linh.

Ai là người lau dọn bàn thờ? 

Người lau dọn, sắp xếp bàn thờ nên là người trong gia đình (thường là gia chủ), người đang không bị thương và không nên nhờ người ngoài thực hiện. Người thực hiện cũng cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề và chuẩn bị sẵn các đồ dùng trước khi lau dọn. 

Bàn thờ gia tiên
Bàn thờ gia tiên (Nguồn: Internet)

 

Các bước cần làm và những điều kiêng kỵ

Các việc cần làm 

Thực tế không một có quy định nào bắt buộc cho việc lau dọn, sắp xếp bàn thờ, mà mỗi gia đình đều tuân thủ và làm theo các phong tục truyền thống lâu đời được hình thành từ những thế hệ đi trước. Việc lau dọn bàn thờ tùy mục đích mà sẽ có các bước và các lưu ý khác nhau, đồ gỗ Hoàng Vân sẽ cùng các bạn tìm hiểu chung về các bước lau dọn bàn thờ cơ bản nhé.

  • Đầu tiên, để không phạm vào tâm linh, khi gia chủ đã xong công tác chuẩn bị cá nhân và các đồ dùng cần thiết thì sắp một đĩa hoa quả, thắp hương để thông báo và xin phép thần linh, gia tiên cho con cháu được thực hiện thu dọn bàn thờ.
  • Nên đợi hương cháy hết gia chủ mới bắt đầu dọn dẹp. Trong lúc chờ hương cháy, gia chủ nên đặt một chiếc bàn và trải khăn vải sạch để đặt bài vị. Khi bắt đầu dọn dẹp và sắp xếp bàn thờ, cần lưu ý về thứ bậc thần linh trước, tổ tiên sau, luôn dọn dẹp từ trên xuống dưới để tránh tội bất kính.
  • Phải sử dụng nước ấm hoặc rượu gừng để tẩy uế, làm sạch đồ thờ cúng. Tuyệt đối không được dùng nước lạnh.
  • Phần quan trọng và phức tạp nhất khi lau dọn bàn thờ, đó chính là dọn bát hương. Nếu bạn chỉ lau dọn bàn thờ thông thường đón ngày rằm, mùng 1 hay giỗ cúng thì chỉ cần quét dọn nhang rơi và lau bát hương cho sạch sẽ, không nên dịch chuyển bát hương. Tuy nhiên, khi chuẩn bị ngày tiễn ông Công, ông Táo hay đón năm mới đến thì thông thường cần tỉa bát hương và thay tro mới. Tùy theo bát hương thờ thần linh, hay thờ tổ tiên mà có những cách vệ sinh và thay mới khác nhau.
Bàn thờ thần Phật
Bàn thờ thần Phật (Nguồn: Internet)
  • Sau khi đã dọn rửa xong, bạn sắp xếp lại bài vị và các đồ thờ khác lên bàn thờ theo đúng vị trí và thứ bậc, thay nước, thay gạo muối (nếu có) và khấn xin thỉnh thần linh, tổ tiên về và báo đã hoàn thành công việc.

 Những điều kiêng kỵ 

Trong quá trình vệ sinh bàn thờ, bạn cũng cần hết sức lưu ý các điều kiêng kỵ, giúp tránh phạm tâm linh như sau:

  • Các vật dụng, dụng cụ vệ sinh như chổi, khăn lau đều phải là bộ dụng cụ riêng sử dụng cho bàn thờ và thường được thay mới hàng năm, đảm bảo sự sạch sẽ, không bị vấy bẩn.
  • Nước lau rửa các đồ thờ phải là nước sạch, nước ấm hay có thể sử dụng rượu trắng hoặc rượu gừng để thay thế. Tuyệt đối không dùng nước lạnh để vệ sinh.
  • Khi lấy tro cũ nên xúc từng thìa cho đến khi hết, không nên đổ một lúc ra hết luôn. Sau đó liền đổ tro mới vào với ý nghĩa tượng trưng cho tài lộc của gia chủ sẽ ra nhỏ, vào lớn. Chân hương và tro cũ sau khi đốt thành tro thì nên rải xuống sông hồ lớn giúp mang lại sự thanh mát, không nên rải ở những nơi ô uế.
Tỉa bát hương
Tỉa bát hương (Nguồn: Internet)
  • Tuyệt đối tránh làm vỡ các đồ dùng trong thờ cúng như bình hoa, hũ gạo muối, các đồ sứ, thủy tinh khác, điều đó mang lại những điều không may mắn.

Lau dọn bàn thờ đúng cách là điều mà rất nhiều người quan tâm và chú trọng, với mong muốn mang lại những điều tốt lành cho gia chủ. Chính vì thế mà đồ gỗ Hoàng Vân đã cùng bạn tìm hiểu chi tiết trong bài viết trên đây. Hy vọng các kiến thức hữu ích này sẽ giúp bạn mang lại nhiều may mắn và tài lộc cho gia đình nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *