Hiện nay, phần lớn các loại đồ dùng nội thất trang trí nhà cửa đều được sản xuất từ nhiều loại gỗ khác nhau. Các dòng sản phẩm nội thất được làm từ gỗ tự nhiên đều được người dùng yêu thích nhờ vào chất lượng và kiểu dáng đa dạng. Sau đây sẽ là một vài đặc điểm nổi bật của các loại gỗ tự nhiên giúp bạn lựa chọn nội thất phù hợp với không gian căn phòng của mình nhé!
Top 9 các loại gỗ tự nhiên làm nội thất nhiều nhất hiện nay
Gỗ Tràm
Gỗ Tràm có tên gọi tiếng Anh là Melaleuca leucadendron L, thuộc họ Sim Myrtaceae, là một trong các loại gỗ tự nhiên giá rẻ được sử dụng để làm đồ nội thất nhiều nhất hiện nay. Giống cây này có khả năng sinh trưởng nhanh, thích nghi tốt với mọi loại điều kiện môi trường và đem lại lợi nhuận kinh tế cao nên được trồng trên hầu hết mọi tỉnh thành ở Việt Nam.
Cây gỗ Tràm thường có chiều cao từ 10 đến 15m, đường kính có thể đạt từ 50 đến 60cm. So với những loại cây khác phải đợi từ 30 đến 50 năm thì mới có thể lấy gỗ, cây Tràm đã có đủ khả năng thu hoạch chỉ sau khoảng 13 năm sinh trưởng và phát triển. Do đó, so với giá các loại gỗ tự nhiên khác, sản phẩm nội thất được làm từ gỗ Tràm có giá thành rẻ hơn rất nhiều, phù hợp với túi tiền của nhiều người.
Hiện nay, có tất cả hơn 200 loại cây Tràm được thế giới công nhận, chúng phân bố chủ yếu ở Úc, New Guinea, New South Wales, Malaysia,… Tại Việt Nam, cây gỗ Tràm được nhận diện rộng rãi với hai loại chủ yếu là là Tràm trà và Tràm gió. Một số loại gỗ Tràm có thể kể đến như: Tràm gió, Tràm trà, Tràm bông vàng, Tràm đất,…
Trong bảng phân loại các nhóm gỗ tại Việt Nam, gỗ cây Tràm thuộc nhóm IV. Bên cạnh tốc độ sinh trưởng nhanh chóng, gỗ cây Tràm còn có khả năng chống lại sự tấn công từ mọi loại côn trùng rất tốt, chính vì thế gỗ Tràm rất thích hợp để chế tác những món đồ nội thất sử dụng trong gia đình như bàn ghế gỗ Tràm, giường ngủ gỗ Tràm, hay tủ quần áo,…
Gỗ Cẩm Lai
Gỗ Cẩm Lai hay còn được gọi với cái tên là gỗ trắc, có tên tiếng Anh là Dalbergia Cochinchinensis, thuộc cây nhà họ đậu. Đây là một trong các loại gỗ tự nhiên được sử dụng khá phổ biến để sản xuất đồ nội thất trong gia đình. Tại Việt Nam, loại gỗ này được xếp vào nhóm I trong bảng phân loại các nhóm gỗ vì khả năng sinh trưởng rất chậm và số lượng không nhiều. Chính vì thế, mọi loại đồ dùng được chế tác từ loại gỗ này luôn có giá thành rất cao và đắt đỏ.
Tại Việt Nam, loại gỗ Cẩm Lai này được trồng rộng rãi ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh thành ở miền Nam như Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh,… Loại gỗ này được phân thành 3 loại phổ biến nhất đó là: gỗ Cẩm Lai đen, Cẩm Lai xanh và gỗ Cẩm Lai đỏ.
Để nhận biết các loại gỗ tự nhiên khác với gỗ Cẩm Lai, bạn cần dựa vào mùi hương của gỗ cũng như bề mặt của vân gỗ. So với những loại gỗ thông thường, gỗ Cẩm Lai có hương thơm rất đặc biệt tựa mùi thối của bùn, hay mùi tre ngâm lâu trong nước. Vân gỗ Cẩm Lai có đường nét thanh mảnh như sợi chỉ thường được gọi là cẩm chỉ. Các đường vân gỗ tụ lại thành chùm thì có tên gọi là cẩm mây. Ngoài ra, gỗ Cẩm Lai có đường vân loang lổ, xen kẽ với màu trắng thì có tên là cẩm loang.
Gỗ Hương
Gỗ Hương hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như gỗ Giáng Hương, Dáng Hương,… có tên tiếng Anh là Padouk và tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus. Đây là một trong những loại gỗ quý hiếm ở Việt Nam thuộc nhóm I, được phân bố rộng rãi tại các tỉnh thành thuộc khu vực Nam Bộ như Kon Tum, Tây Nguyên, Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Nai,…
Loại gỗ này được xem là quý hiếm vì chúng sở hữu hương thơm rất đặc biệt cùng với những ưu điểm vượt trội mà không phải loại gỗ nào cũng có được. Gỗ Hương là một loại gỗ rất cứng và nặng, không bị mối mọt làm hư hại, đường vân gỗ có nét đẹp đặc biệt nên rất được ưa chuộng để sản xuất đồ nội thất trong gia đình. Tuy nhiên, với số lượng khan hiếm nên những vật dụng được làm từ loại gỗ này có giá thành khá cao và đắt đỏ. Một số loại gỗ Hương khá phổ biến hiện nay có thể kể đến như gỗ Giáng Hương, gỗ Đinh Hương, gỗ Hương Đá, gỗ Hương Vân, Hương Lào,…
Một trong những cách nhận biết gỗ Hương với những loại gỗ thông thường rất đơn giản là ngâm gỗ Hương vào nước. Màu nước sẽ dần chuyển từ màu trắng sang màu xanh chè.
Gỗ Nu
Gỗ Nu không phải là tên gọi của một loại gỗ, mà nó là thực chất là bướu gỗ, mắt gỗ, được xem là một phần thương tật của cây gỗ có tuổi đời hàng trăm năm. Vì một vài lý do tác động vật lý của môi trường xung quanh như cây bị gãy, bị chặt, bị sét đánh hay bị tấn công bởi sâu bệnh và vi sinh vật mà các vết nu dần được hình thành. Do đó, nguồn dinh dưỡng và nguồn nhựa nuôi sống cây bị gián đoạn và tích tụ dần tại vết thương, lâu ngày tạo thành một cái bướu sần sùi trên thân cây.
Mặc dù vậy nhưng các nu gỗ vẫn không gây ảnh hưởng tới sự sinh tưởng và phát triển của cây chủ, mà ngược lại chúng mang một vẻ đẹp đặc biệt, hiếm có và khó tìm, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, phải mất đến từ 30 đến 40 năm thì một khúc nu gỗ mới có thể đạt đến độ trưởng thành nhất định để chế tác thành các vật dụng trong gia đình.
Một số loại gỗ Nu thường gặp và phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến như Nu Trắc, Nu Cẩm, Nu Sưa, Nu Xá Xị, Nu Hương, Nu Gụ, Nu Mun,… Trong đó gỗ Nu Sưa là loại có giá trị nhất vì sở hữu những đường vân gỗ rất đẹp và hương thơm đặc biệt.
Gỗ Mun
Gỗ Mun có tên gọi tiếng anh là Ebony, tên khoa học là Diospyros Mun, thuộc dòng gỗ họ Thị. Một cây gỗ Mun trưởng thành có độ cao từ 8 đến 20m, đường kính thân cây đạt từ 0,3 đến 0,5m. Loại cây này được xếp vào nhóm I trong bảng phân loại gỗ tại Việt Nam. Phân bố chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Bình, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Hà Giang,…
Gỗ Mun được xếp vào một trong các loại gỗ tự nhiên quý hiếm nhưng có bề ngoài rất dễ bị nhầm lẫn khi so sánh với những dòng gỗ cẩm lai đen khác. Gỗ Mun có màu đen pha chút ánh đỏ, thân cây gỗ có trọng lượng rất nặng, có thể chìm trong nước. Bên cạnh đó, bề mặt gỗ rất láng mịn, khi được đánh bóng sản phẩm được làm từ gỗ Mun lại càng bóng mịn hơn, nên chúng rất thích hợp sử dụng để sản xuất đồ nội thất trong gia đình.
Mỗi loại gỗ Mun đều có những nét đặc trưng và đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, người ta thường phân chia loại gỗ này dựa trên nơi xuất xứ của chúng như gỗ Mun Lào, gỗ Mun Nam Phi, gỗ Mun sọc Châu Phi,…
Gỗ Thông
Gỗ Thông có tên gọi khoa học là Pinaceae, được xem là một trong các loại gỗ tự nhiên giá rẻ được sử dụng để làm đồ nội thất trong gia đình. Loại gỗ này thuộc nhóm IV, có màu sắc trắng kem hoặc ngả vàng tự nhiên, vân gỗ có màu đỏ cam tạo nên nét đẹp riêng.
Loại cây gỗ này phát triển mạnh mẽ ở những khu vực có khí hậu ôn đới. Đặc biệt, ở Việt Nam, cây gỗ Thông được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt và các vùng cao nguyên khác.
Với tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh chóng, gỗ của cây Thông thường được khai thác và sử dụng làm nguyên liệu chế tác các vật dụng nội thất như tủ gỗ, bàn ghế, sàn nhà, giường ngủ,… Ngoài ra, so với những loại gỗ khác, gỗ Thông thường có trọng lượng nhẹ hơn nên dễ dàng di chuyển và lắp đặt, được rất nhiều người ưa chuộng khi sử dụng.
Gỗ Sồi
Gỗ Sồi có tên tiếng Anh là Oak, thuộc nhóm VII trong danh sách phân loại các nhóm gỗ tại Việt Nam. Hiện nay, cây gỗ Sồi có hơn 400 loài, được trồng và phân bố rộng rãi tại một số nước có khí hậu ôn đới lạnh ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Bắc Phi hay Bắc Mỹ,… Số lượng cây gỗ Sồi có thể lên đến 90 loài tại Hoa Kỳ, 160 loài ở Mexico và 100 loài sồi ở Trung Quốc.
Cây gỗ Sồi được phân thành hai nhóm chính bao gồm gỗ Sồi đỏ (Red Oak) và gỗ Sồi trắng (White Oak). Thân cây gỗ Sồi có thể cao từ 19,5 đến 25,5m và chỉ được khai thác khi cây đã đủ 80 năm tuổi trở lên.
Vì sở hữu nhiều đặc điểm nổi bật nên cây gỗ Sồi được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồ nội thất. Các sản phẩm được làm từ gỗ Sồi có màu sắc sáng tự nhiên, giúp cải thiện không gian sống và mang lại cảm giác tươi mới cho ngôi nhà.
Gỗ Căm Xe
Gỗ Căm Xe có tên tiếng Anh là Xylia Xylocorpa, đây là loại cây gỗ lớn, có tán rộng, cây trưởng thành có chiều cao trung bình có thể đạt đến 30m và đường kính lên đến 1,2m. Loại cây gỗ này được xếp vào nhóm II trong bảng phân loại và được xem như loại gỗ lim ở miền Bắc.
Gỗ Căm Xe có những đặc trưng rất nổi bật, giác lõi được phân biệt rất rõ ràng, giác dày dặn có màu trắng hơi ngả vàng nhạt, lõi hơi nghiêng màu đỏ thẫm. Bên cạnh đó, loại gỗ này có thớ gỗ rất mịn, nặng, mùi hương đặc trưng hơi nồng.
Hiện nay, có rất nhiều loại gỗ Căm Xe nhưng người ta thường dựa vào nguồn gốc xuất xứ của chúng. Tại Việt Nam, gỗ Căm Xe thường được nhập khẩu từ Campuchia và Lào. Chính vì thế, chúng được phân thành 2 loại chính: gỗ Căm Xe Campuchia và gỗ Căm Xe Lào.
Gỗ Gõ Đỏ
Cây Gõ Đỏ là một trong những loại cây gỗ tự nhiên thuộc nhà họ Đậu, có tên khoa học là Afzelia xylocarpa và tên gọi tiếng Anh là Doussie. Loài cây này thường được trồng và phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới như Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Thái Lan,… Tại Việt Nam, cây Gõ Đỏ thường phát triển tại một số tỉnh thành miền Nam như Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Huế,… Loại cây này được một trong các loại gỗ tự nhiên làm nội thất quý hiếm nhất, được xếp vào nhóm I trong danh sách phân loại gỗ ở nước ta.
Hiện nay, loại gỗ Gõ Đỏ được phân làm 2 loại chủ yếu, bắt nguồn từ 2 nguồn gốc xuất xứ khác nhau: Gõ Đỏ Nam Phi và Gõ Đỏ Lào. Mặc dù hai loại gỗ này có chất lượng tương đương nhau nhưng giá thành lại có sự chênh lệch rất lớn.
Tại sao nên sử dụng các loại gỗ tự nhiên làm nội thất?
Giá các loại gỗ tự nhiên để sử dụng làm đồ nội thất thường khá cao và đắt đỏ so với những nguyên vật liệu khác. Tuy nhiên nội thất làm từ gỗ tự nhiên lại sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn các loại gỗ công nghiệp.
- Độ chắc chắn và độ bền cao: Gỗ tự nhiên là nguyên liệu có tính liên kết chặt chẽ, tính dẻo và độ bền cao nên tạo nhiều điều kiện thuận lợi để gia công, uốn nắn tạo hình dễ dàng hơn.
- Chống mối mọt tốt, tuổi thọ lên đến hàng chục năm: Một số loại gỗ tự nhiên có khả năng chống ăn mòn và chống lại các loại vi khuẩn gây hại cho gỗ nên rất khó bị mối mọt xâm hại và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết ẩm mốc. Chính vì thế, nếu được bảo quản trong trong môi trường thông thoáng, khô ráo, sản phẩm nội thất làm từ gỗ tự nhiên có khả năng sử dụng lên đến hàng chục năm.
Trên đây là top 9 các loại gỗ tự nhiên giúp bạn hiểu rõ hơn về các sản phẩm đồ nội thất được làm tự nguyên liệu này. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích cho bạn!